Truyền thụ và gìn giữ “bản sắc Việt trong thiết kế nội thất” – Tọa đàm của các chuyên gia

19/05/2022 - 01:33
429 views

Chúng ta tự hào vì là một dân tộc mang bản sắc riêng tiếng nói riêng. Đặc biệt chúng ta nối danh với bạn bè năm châu ở sự khéo léo cùng nét đẹp độc đáo trong nội thất. Sự tinh xảo trong các vật dụng đời thường cho đến cả không gian cổ kính ngàn năm. Làm thế nào để gìn giữ được bản sắc Việt mà bao thế hệ cha ông đã làm rạng rỡ. Buổi tọa đàm của các chuyên gia, các KTS hàng đầu trong ngành nội thất đã diễn ra. Giúp chúng ta có cái nhìn đa chiều hơn về nét đẹp của “Bản sắc Việt”. Để thấy tự hào hơn, có trách nghiệm tìm hiểu và gìn giữ nét đẹp dân tộc.

KHO TÀNG TƯ LIỆU BẢN SẮC LÀ ĐIỂM TỰA VỮNG VÀNG

Năm 2020, nước Việt Nam được cả thế giới ca ngợi về “tinh thần dân tộc” vĩ đại bởi sự đoàn kết, bền chặt và những nỗ lực “đậm chất Việt” trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19. Nhưng có lẽ, rất nhiều người trong số họ, những người ngoại quốc, không hề biết đến một nước Việt có 54 dân tộc anh em, sở hữu dải đất hình chữ S kéo dài với món quà vô giá do thiên nhiên ban tặng, nơi các vị Vua Hùng đã gây dựng trong 4.000 ngàn năm văn hiến và không thể không kể đến những dấu ấn về lịch sử sáng tạo nghệ thuật từ thưở xa xưa, với họa tiết Trống Đồng Đông Sơn được UNESCO công nhận di sản phi vật thể hay những kho báu cất giấu bí mật về hoa văn trang trí đạt đến độ tinh xảo của người Việt cổ. Không thể phủ nhận, tất cả những giá trị đó, là kho tàng vô giá, là điểm tựa vững vàng để người Việt bật cao hơn, tiến xa hơn trên đấu trường quốc tế.

KTS. NTKNT. Nguyễn Hoàng Mạnh, người từng đạt rất nhiều giải thưởng quốc tế quan trọng trong lĩnh vực kiến trúc – nội thất, chia sẻ: “Hướng tiếp cận trong đa phần các thiết kế của tôi là nương tựa vào yếu tố bản địa mà phát triển những ý tưởng. Đó có thể là một trong những yếu tố để các công trình này được hội đồng quốc tế đánh giá cao”. Với sự đa dạng về cả địa hình tự nhiên, văn hóa, phong tục tập quán và chất liệu nghệ thuật qua các thời kỳ, bản sắc Việt đã, đang và sẽ tiếp tục lớn mạnh và trở thành nguồn tải sản quý báu để mỗi nhà thiết kế nội thất có thể tự hào và phát huy.

Trong thời đại toàn cầu hóa, nhà thiết kế nội thất Việt có nhiều công cụ hơn, nhưng cũng sẽ là thách thức tiềm tàng nếu thiếu đi nền tảng vững vàng. Sự du nhập các trào lưu, xu hướng từ các nền thiết kế nội thất lớn trên thế giới, như một con dao hai lưỡi tác động đến tư duy thiết kế của nhiều bạn trẻ. Nếu sự học hỏi thiếu chọn lọc và bỏ quên ý thức về một nền nội thất của người Việt tiếp tục diễn ra, sẽ có thể làm chậm lại quá trình định vị “một tính cách” của nền nội thất Việt, cũng như khó có thể tạo nên một dấn ấn đặc sắc trong các công trình thiết kế.

MỘT GÓC NHÌN ĐA CHIỀU VỀ BẢN SẮC TRONG THIẾT KẾ NỘI THẤT: TỪ TRUYỀN THỐNG ĐẾN HIỆN ĐẠI, TỪ BẢN SẮC ĐẾN HỘI NHẬP

Lần đầu tiên trong khuôn khổ của một chương trình tọa đàm có được sự góp mặt của các nhân vật tiêu biểu, những người đã có thành tích và cống hiến đáng kể cho nền thiết kế nội thất – kiến trúc nước nhà. Ở một thời đại, ai cũng muốn được “nhớ mặt đặt tên”, họ đã có những cách riêng để khẳng định mình trước các đối thủ quốc tế. Và tọa đàm “Bản sắc Việt trong thiết kế nội thất” là lần đầu tiên họ chia sẻ về hành trình xây dựng cái Tôi bản sắc.

KTS Lê Trương và sự son sắc với làng nghề truyền thống: Dành nhiều năm trời đi sâu vào các ngôi làng sản xuất vật liệu, chạm khắc của người Việt, KTS Lê Trương càng nhận ra những giá trị tiềm tàng ở nơi đây, đặc biệt giá trị với lĩnh vực nội thất ở nước ta, như chạm khắc gỗ, kim loại hay gốm… Nhiều công trình nội thất khách sạn ấn tượng được ông thiết thiết kế dựa trên concept lấy cảm hứng từ các ngôi làng cổ và sản phẩm từ làng nghề thủ công như Grand Mercure, khách sạn Sapa, TG House…

Trong khi đó, sự mộc mạc, giản dị qua hành trình “kể lại truyền thống bằng ngôn ngữ tối giản” của KTS. NTKNT Nguyễn Hoàng Mạnh (Mia Design Studio) lại chính là điều tâm huyết của ông muốn gửi tới các thế hệ các nhà thiết kế trẻ. Thuộc tính bản sắc trong thiết kế nội thất qua góc nhìn của ông vừa thực tế, vừa cảm xúc, khiến cho những khái niệm tưởng rất cũ mà mới, tưởng “Tây” mà lại mang hơi thở của bản sắc.

Dưới góc nhìn của NTK Andrew Currie – Một tên tuổi không còn quá xa lạ với giới thiết kế Việt Nam, yếu tố bản sắc không đơn thuần nằm ở chất liệu sử dụng, mà còn nằm vấn đề con người. Là một người nước ngoài thành công trong lĩnh vực thiết kế tại Việt Nam trong mười năm qua, “bản sắc Việt” được phản ánh qua con người cũng chính là nguồn cảm hứng cho những sáng tạo của ông.

Theo bà Nguyễn Phan Thùy Dương, chủ biên tạp chí ELLE Decoration, có rất nhiều lý do để mong đợi một hệ sinh thái các dự án nghệ thuật, thiết kế, kiến trúc thật sự đậm đà bản sắc, nhưng vẫn rất phong phú về cách tiếp cận và kỹ thuật khai phá. Hiện nay, một tín hiệu đáng ghi nhận là thế hệ trẻ 9X, Gen Z ngày nay đang tích cực tìm hiểu và hào hứng với những thiết kế, những dự án lấy bản sắc văn hóa – dẫu là văn hóa truyền thống hay văn hóa đại chúng Việt – làm chủ đề.

Một chủ đề hấp dẫn, được khai thác dưới góc độ chuyên môn đa chiều với sự góp mặt của những nhân vật tiêu biểu, Tọa đàm “Bản sắc Việt trong thiết kế nội thất” không chỉ mang đến một bức tranh tổng thể về vấn đề bản sắc, mà còn góp phần khuyến khích các bạn sinh viên, các nhà thiết kế trẻ luôn ý thức về tinh thần dân tộc đặc trưng của giới thiết kế nội thất Việt Nam, và coi đó như một kim chỉ nam cho định hướng nghề nghiệp lâu dài.

Nguồn: Kiến Việt – Tạp trí kiến trúc hội kiến trúc sư Việt Nam

Tin liên quan
0981.388.806