Khi văn phòng làm việc không đơn thuần là không gian làm việc mà còn là nơi thể hiện chiến lược thu hút nhân tài

25/05/2020 - 09:17
1102 views

Sau 10 năm học tập và làm việc tại nước ngoài, Trần Danh Quang quyết định quay về lập nghiệp tại Việt Nam. Proce – một thương hiệu cung cấp nội thất văn phòng hạng sang đã được anh lựa chọn làm nơi “dừng chân”.

Từ một người hoạt động lâu năm trong lĩnh vực tài chính, việc chuyển đổi sang một ngành kinh doanh hoàn toàn mới lạ được xem là cú rẽ ngang đầy bất ngờ của vị CEO 8X. Có rất nhiều lý do để Trần Danh Quang tin rằng đây là một lựa chọn hoàn hảo trong bối cảnh kinh tế Việt Nam ngày càng hòa nhịp với kinh tế toàn cầu.

Từ tầm nhìn dài hạn đến bước ngoặt kinh doanh đầy bất ngờ của CEO 8x

Đã có thời gian học tập và làm việc tại nước ngoài nhiều năm, ấn tượng đầu tiên khi anh đặt chân vào văn phòng làm việc của họ là gì?

Trước đây tôi có thời gian 5 năm học thạc sỹ và 5 năm làm việc tại Mỹ. Nếu tính đến văn phòng đầu tiên tôi tiếp xúc thì không phải của một công ty nào mà là trong trường học. Chức năng sử dụng của văn phòng tại trường học và công sở tuy khác nhau nhưng điểm chung mà tôi nhận thấy ở những nơi đó là không gian rộng thoáng, các loại vật dụng được sắp xếp khéo léo, khoa học tạo tâm lý thoải mái khi làm việc cho mỗi cá nhân. Bạn biết rằng môi trường làm việc tại các quốc gia phát triển như Mỹ rất áp lực, vì vậy, bên cạnh không gian làm việc chung thì mỗi văn phòng đều có không gian riêng để giúp nhân viên giảm stress, nơi bạn có thể nhâm nhi một ly cà phê để thư giãn trong chốc lát. Đây là phong cách sống, phong cách làm việc rất đặc trưng tại các quốc gia phát triển và có sự khác biệt với Việt Nam.

Theo anh, điều gì tạo nên sự khác biệt giữa một văn phòng làm việc “thuần Việt” và một văn phòng của doanh nghiệp FDI?

Sự khác biệt lớn nhất là văn phòng tại các doanh nghiệp FDI được thiết kế theo hướng đa chức năng, cơ sở vật chất được chú trọng đầu tư hơn nếu so sánh với các doanh nghiệp “thuần Việt”. Hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam thời gian trước đây chưa nhận thức vai trò của không gian làm việc là yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 50% hiệu suất làm việc của mỗi nhân viên. Triết lý “ngon-bổ-rẻ” vốn đã ngấm sâu vào tư tưởng của các nhà lãnh đạo nên họ dường như không có nhu cầu đầu tư nhiều vào nội thất văn phòng. Trong khi đó, tại hầu hết các doanh nghiệp FDI đến từ các nền kinh tế phát triển, tư duy làm việc của họ đã tiến khá xa so với các doanh nghiệp trong nước. Từ quan điểm luôn đặt yếu tố con người lên hàng đầu, việc đầu tiên để đặt nền móng cho quá trình kinh doanh lâu dài của họ là tạo dựng nên những môi trường làm việc tốt, từ đó thúc đẩy hiệu suất làm việc của nhân viên.

Sự khác biệt ấy liệu có phải xuất phát từ quan điểm kinh doanh của các doanh nghiệp ngoại tại thị trường Việt Nam?

Quả đúng như vậy. Đối với các doanh nghiệp quốc tế, họ luôn đặt ra định hướng đầu tư lâu dài và có tầm nhìn xa với tốc độ phát triển của thị trường nên các sản phẩm nội thất họ lựa chọn đều phải đạt mức khấu hao tối thiểu là 10 năm. Thông thường để đầu tư vào những sản phẩm như vậy thì họ sẽ tiêu tốn mức chi phí khá cao, tuy nhiên nếu tính về thời gian cũng như hiệu quả sử dụng thì rõ ràng sản phẩm sẽ tốt hơn rất nhiều so với những sản phẩm “hàng chợ”. Đơn giản như khi bạn sử dụng một chiếc ghế văn phòng có giá khoảng 10 triệu, sự êm ái và bền bỉ của sản phẩm sẽ hỗ trợ bạn giảm thiểu những tác động tiêu cực lên sức khỏe khi phải ngồi làm việc trong thời gian dài. Bạn cũng không phải đối mặt với sự khó chịu với hiện tượng chỉ sử dụng thời gian ngắn mà ghế đã kêu cót két, cong vênh, long ốc…

Tôi có thể hiểu chất lượng sản phẩm là lý do thuyết phục anh quyết định gia nhập Proce?

Khi trở về nước vào tháng 7/2019, lúc đầu tôi chỉ có kế hoạch về nghỉ phép chứ không tính ở lại Việt Nam. Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn tôi đã nhận thấy sự thay đổi trong môi trường kinh doanh tại đây khi tư duy đầu tư của nhiều doanh nghiệp trong nước đã bắt kịp tư duy kinh doanh của các doanh nghiệp quốc tế. Điều này đã mở ra cơ hội để những người như tôi có thể cống hiến sức lực cho Tổ quốc. Thay bằng việc bạn cần mẫn làm việc 10 năm ở nước ngoài nhưng chỉ có rất ít cơ hội thăng tiến thì tại quê hương tôi có nhiều “đất diễn” hơn để tạo dựng nên sự nghiệp và thương hiệu cá nhân.

Cơ hội gắn bó với Proce là điều bất ngờ đối với tôi trong chuyến về Việt Nam năm ngoái. Tôi đến thăm một người bạn đang làm việc tại văn phòng Proce và nhanh chóng bị hút hồn bởi một không gian trưng bày ấn tượng với những sản phẩm văn phòng tinh tế – Điều mà tôi không nghĩ có thể xuất hiện tại Việt Nam. Sau lần đó, tôi bắt đầu quan tâm đến câu chuyện thương hiệu, sản phẩm và dịch vụ đẳng cấp của thương hiệu này và ngày càng bị thuyết phục bởi mục tiêu phát triển bền vững của Proce. Khi quyết định gia nhập Proce là khi tôi nhận ra chúng tôi bắt đầu có chung một ước mơ: Xây dựng Proce Việt Nam trở thành thương hiệu đẳng cấp quốc tế.

Sự chuyển dịch của tư duy đầu tư sẽ thúc đẩy ngành nội thất văn phòng hạng sang phát triển lên một vị thế mới

Cảm nhận đầu tiên của anh khi tìm hiểu về các sản phẩm Proce đang kinh doanh là gì? Anh đánh giá như thế nào về tiềm năng phát triển các dòng sản phẩm nội thất văn phòng cao cấp tại thị trường Việt Nam?

Quả thực lúc đầu tôi rất bất ngờ vì không nghĩ rằng ở Việt Nam lại có doanh nghiệp chấp nhận mạo hiểm kinh doanh sản phẩm hạng sang phục vụ trong giới văn phòng vì tất cả các sản phẩm Proce đang phân phối đều có chất lượng nổi tiếng thế giới. Ngay từ khi thành lập, Proce đã định vị mình là đơn vị cung cấp giải pháp về văn phòng hạng sang, điều này thể hiện ngay từ trong tên gọi – Proce là sự kết hợp của “PROfessional offiCE”.

Thực tế cũng chứng minh, việc lựa chọn một con đường kinh doanh khác biệt sẽ gặp nhiều khó khăn. Nếu ban lãnh đạo Proce không có ý chí kiên định và đủ khát khao thì thương hiệu này đã sớm biến mất trên thị trường. Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, tôi lại đánh giá cao tiềm năng phát triển của các dòng sản phẩm này tại thị trường Việt Nam. Quá trình hội nhập kinh tế thế giới đã mở ra cánh cửa thúc đẩy kinh tế trong nước phát triển. Sự giao thoa, hòa nhập các phong cách kinh doanh là điều tất yếu, các doanh nghiệp trong nước đang dần nhận ra một điều thực tế rằng: Văn phòng không đơn thuần chỉ là nơi làm việc mà còn là nơi kích thích trí sáng tạo của mỗi cá nhân. Mỗi doanh nghiệp muốn nâng cao hiệu suất làm việc, thúc đẩy tăng trưởng thì cần chú ý quan tâm đầu tư vào yếu tố con người nhiều hơn nữa.

Theo anh, những nguyên nhân nào đã và đang tác động trực tiếp đến ngành nội thất văn phòng Việt Nam?

Trước đây, Việt Nam vốn được đánh giá là điểm đến an toàn với nhiều nhà đầu tư thế giới bởi vị trí giao thông thuận lợi, chính trị ổn định, giá nhân công khá thấp so với mặt bằng chung. Tính từ thời điểm sau Tết Nguyên đán 2020 khi dịch Covid-19 bùng phát tại nhiều quốc gia, Việt Nam đã cho thấy năng lực xử lý khá tốt, đây là điểm cộng lớn trong mắt các doanh nghiệp nước ngoài.

Nếu như trước đây tệp khách hàng của Proce chủ yếu là các doanh nghiệp Nhật, Mỹ, châu Âu và một số ít tập đoàn lớn trong nước, thì hiện nay lượng khách hàng đang dần mở rộng hơn. Điều này xuất phát từ thực tế là ngày càng nhiều “đại gia” quốc tế dịch chuyển dây chuyền sản xuất đến Việt Nam, tránh phụ thuộc quá nhiều vào thị trường truyền thống tiềm ẩn nhiều rủi ro. Khi các doanh nghiệp này “tiến quân” vào thị trường Việt Nam sẽ gia tăng áp lực cạnh tranh lên các doanh nghiệp trong nước. Đã đến lúc các doanh nghiệp nội nhận thấy rằng, nếu không cải thiện, chú trọng đầu tư vào môi trường làm việc thì các nhân tài sẽ dễ dàng lựa chọn cho mình một bến đỗ mới. Đây chính là những tiền đề thuận lợi để Proce mở rộng tệp khách hàng trong tương lai gần.

Kịch bản nào được dự báo cho ngành nội thất văn phòng trong thời gian tới, thưa anh?

Tại Việt Nam đã bắt đầu diễn ra “cuộc đua” về môi trường làm việc để thu hút nhân tài, tuy còn khá âm thầm nhưng tôi nghĩ cuộc cạnh tranh này sẽ sớm bùng nổ trong thời gian tới khi dịch bệnh chấm dứt. Đầu tư, nâng tầm chất lượng môi trường làm việc đang dần trở thành bài toán phát triển chiến lược của nhiều doanh nghiệp trong nước. Đây là tín hiệu rất đáng mừng cho các doanh nghiệp hoạt động trong ngành nội thất văn phòng hạng sang như PROCE.

Sau khi tiếp xúc với nhiều khách hàng VIP, điểm chung anh nhận thấy giữa các khách hàng này là gì? Làm thế nào để Proce đáp ứng được những yêu cầu khắt khe của họ?

Có 3 đặc điểm chung trong tệp khách hàng của Proce. Thứ nhất, họ là những người hiểu biết và đủ trải nghiệm để hiểu thế nào là một không gian văn phòng đẳng cấp. Thứ hai, họ là những cá nhân – tập thể – công ty hay tập đoàn thành công và giàu có. Thứ ba cũng là điểm quan trọng nhất là họ dám chi, dám đầu tư cho một món hàng có tác động gián tiếp mang về lợi nhuận vô cùng lớn nhưng không ai cam kết trong chính năng suất lao động của mỗi con người.

Để đáp ứng được yêu cầu của những khách hàng này, chất lượng và dịch vụ của Proce phải luôn luôn siêu khác biệt. Tôi sẽ không cần giới thiệu nhiều khi bạn chỉ cần nhìn vào tỉ lệ quay lại khách hàng của Proce luôn trên 90% là đủ hiểu. Trên thực tế, chúng tôi đã làm rất nhiều dự án mà xuất phát từ việc bán một chiếc ghế giám đốc, rồi họ quay lại mua trọn bộ sản phẩm cho cả công ty.

Chiến lược phát triển dài hạn đang được ban lãnh đạo Proce đặt ra là gì?

Mục tiêu dài hạn tôi đặt ra là đưa Proce trở thành thương hiệu dẫn đầu tuyệt đối trong lĩnh vực cung cấp giải pháp văn phòng hạng sang tại Việt Nam. Từ bước tạo đà đó, chúng tôi sẽ đưa thương hiệu này ra sân chơi quốc tế để chinh phục những thị trường nổi tiếng khó tính như Mỹ, Nhật, Châu Âu.

Xin cảm ơn anh!

 

Nam Phương

 

Hương Xuân

Theo Trí Thức Trẻ

Ánh Dương

Tin liên quan
0981.388.806